Thông tin chuyên ngành
31/07/2015

10 cổ phiếu niêm yết đầu tiên trên TTCK Việt Nam giờ ra sao?

 

TMS -  Công ty Cổ phần Transimex-Saigon (HOSE)

Giá hiện tại:  TMS 61.0 0(0) Biểu đồ GTGD và KLGD trong 1 tháng        

10 cổ phiếu niêm yết đầu tiên trên TTCK Việt Nam giờ ra sao?

10 cổ phiếu niêm yết đầu tiên trên TTCK Việt Nam giờ ra sao?
 
Trải qua 15 năm hình thành và phát triển, những cổ phiếu niêm yết đầu tiên trên thị trường đã đi theo những lối rẽ khác nhau. Có cổ phiếu trở thành bluechip, nhưng cũng có cổ phiếu phải… dứt áo ra đi.

Ngày 28/7/2000 đã đánh dấu bước đi đầu tiên của TTCKViệt Nam khi chính thức giao dịch với chỉ 2 cổ phiếu. Sau 15 năm hình thành và phát triển, số lượng cổ phiếu niêm yết trên Sở GDCK TP.HCM (HSX) đã đạt con số trên 300 với tổng vốn hóa thị trường trên 1,1 triệu tỷ đồng, chiếm 90% giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu niêm yết cả nước.

Những ngày đầu hoạt động, số lượng cổ phiếu niêm yết là rất ít. Do đó, những cổ phiếu này luôn tạo ra dấu ấn khó phai trong tâm trí nhà đầu tư gắn bó lâu năm với thị trường.

Dưới đây là 10 cổ phiếu đầu tiên niêm yết trên HSX cũng như TTCK Việt Nam. Trải qua 15 năm hình thành và phát triển, mỗi cổ phiếu trong số đó đã đi theo một lối rẽ khác nhau. Có cổ phiếu trở thành bluechips, nhưng cũng có cổ phiếu phải… dứt áo ra đi.

SAM-REE: 28/7/2000

Khi nhắc tới TTCK Việt Nam không thể không nhắc đến SAM - CTCP Đầu tư phát triển Sacom và REE - CTCP Cơ điện lạnh, 2 cổ phiếu giao dịch đầu tiên trên thị trường vào ngày 28/7/2000. Trong những năm đầu tiên, số lượng doanh nghiệp niêm yết còn ít, SAM và REE được coi là 2 cổ phiếu “số má” nhất trên thị trường.

Trải qua 15 năm hình thành và phát triển, REE dù không còn là cổ phiếu ảnh hưởng mạnh tới thị trường như trước nhưng vẫn khẳng định được vị thế lớn của mình. Những hoạt động đầu tư vào lĩnh vực năng lượng, nước… đang là hướng đi mới, bên cạnh lĩnh vực cơ điện lạnh truyền thống.

Còn với SAM, sau những quyết định kinh doanh đa ngành đã khiến kết quả kinh doanh doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Cổ phiếu SAM tuy rằng không còn sức ảnh hưởng như trước nhưng vẫn được nhà đầu tư ưa thích với tính thanh khoản cao.
 

Diễn biến cổ phiếu SAM (bên trái) và REE (bên phải) sau 15 năm niêm yết
Diễn biến cổ phiếu SAM (bên trái) và REE (bên phải) sau 15 năm niêm yết
 

HAP - TMS: 4/8/2000

Là một trong những cổ phiếu niêm yết sớm nhất trên thị trường, HAP - Hapaco (trước đây là Giấy Hải Phòng) từng một thời được coi là “bluechip” với những đợt sóng diễn ra khá mạnh. Tuy nhiên bước ngoặt của công ty từ những năm 2007, 2008 khi chuyển đổi mô hình kinh doanh đa ngành, đầu tư dàn trải sang lĩnh vực chứng khoán và dẫn đến khoản thua lỗ gần 70 tỷ đồng. Hiện nay, bên cạnh mảng sản xuất giấy truyền thống, HAP tiếp tục đầu tư sang mảng bệnh viện với bệnh viện quốc tế Green.

KQKD những năm gần đây của HAP đã có cải thiện, tuy nhiên giá cổ phiếu vẫn khá thấp, chỉ dao động quanh mức 7.000đ.

Cũng lên sàn cùng ngày với HAP, tuy nhiên TMS - Transimex Saigon đang ở tình cảnh ngược lại hoàn toàn. Kể từ khi niêm yết, công ty luôn giữ được mức tăng trưởng ổn định với doanh thu, lợi nhuận năm sau cao hơn năm trước. Việc tập trung vào lĩnh vực logistic, không giàn trải là một phần nguyên nhân khiến TMS đạt được KQKD ấn tượng vậy.

Tuy nhiên, điểm trừ của TMS là thanh khoản cổ phiếu khá thấp, chỉ khoảng 3.500 đơn vị/ phiên. Hiện tại, TMS đang giao dịch tại vùng giá 60.000đ.

HAP (bên trái) đối lập với TMS (bên phải)
HAP (bên trái) đối lập với TMS (bên phải)
 

LAF: 15/12/2000

Kể từ khi niêm yết tới nay, KQKD LAF - CTCP Chế biến hàng Xuất khẩu Long An (Lafooco) khá trồi sụt, đặc biệt năm 2012 doanh nghiệp lỗ tới 152 tỷ đồng. Việc phụ thuộc nhiều vào giá điều thô, chính sách nhập khẩu điều không hợp lý khiến KQKD công ty không đạt kết quả như mong muốn.

Giá cổ phiếu đang loanh quanh vùng 13.000đ và còn cách rất xa mức giá đỉnh cao đạt được trong những năm đầu niêm yết.

Pan Pacific thông qua công ty con Pan Food đang thực hiện chào mua công khai 28% cổ phần của LAF để nâng tỷ lệ sở hữu lên mức chi phối 51%.

Thị giá LAF hiện xoay quanh ngưỡng 13.000đ

Thị giá LAF hiện xoay quanh ngưỡng 13.000đ

 

BBC: 19/12/2001

Kể từ khi niêm yết, kết quả kinh doanh Bibica đạt được nhiều điều tích cực. Năm 2014, công ty ghi nhận doanh thu 1.127 tỷ đồng, lợi nhuận 58 tỷ đồng, mức cao nhất kể từ khi niêm yết. Thị giá BBC hiện ở mức 63.000đ, tiệm cận vùng đỉnh 2007 (giá điều chỉnh).

Tuy nhiên, đó không phải là điều đáng chú ý nhất với BBC mà là câu chuyện tranh chấp quyền lực giữa Lotte và nhóm SSI/Pan Pacific. Hiện tại, Lotte đang sở hữu 44% cổ phần tại Bibica, trong khi Pan Food và nhóm cổ đông nội có liên quan đã sở hữu hơn 45% cổ phần.

Bibica đặt mục tiêu sẽ trở thành doanh nghiệp bánh kẹo hàng đầu Việt Nam, đến năm 2017 thị phần bánh kẹo chiếm 11% cả nước. Tuy nhiên, cuộc chiến quyền lực ở Bibica nếu còn kéo dài sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch tham vọng này của công ty.

Thị giá ở mức cao, tuy nhiên không phải vấn đề đáng chú ý nhất với BBC

Thị giá ở mức cao, tuy nhiên không phải vấn đề đáng chú ý nhất với BBC

 

TRI : 28/12/2001

Từng là thương hiệu lớn trong ngành giải khát, Tribeco liên tục được bình chọn là hàng Việt Nam chất lượng cao. Tuy nhiên sau những sai lầm trong chiến lược hợp tác kinh doanh với Kinh Đô, đặc biệt là đối tác ngoại Uni-President đã khiến Tribeco liên tục chìm trong thua lỗ và đi đến giải thể vào năm 2012.

Sau khi Kinh Đô thoái vốn khỏi Tribeco, Uni-President đã trở thành ông chủ mới của Tribeco và tập đoàn đến từ Đài Loan này đã nắm quyền kiểm soát toàn bộ thương hiệu Tribeco.

Đây là một trường hợp hết sức đáng tiếc cho một thương hiệu Việt đang ăn nên làm ra đã trở thành “nạn nhân” trong cuộc chơi toan tính của các ông lớn.

TRI giao dịch phiên cuối cùng vào 9/4/2012

TRI giao dịch phiên cuối cùng vào 9/4/2012

 

GIL: 2/1/2002

Hoạt động kinh doanh chính của Gilimex là sản xuất balo, túi xách và kể từ khi niêm yết, GIL luôn đạt tốc độ tăng trưởng doanh thu khá tốt. Tuy nhiên lợi nhuận tạo ra không đạt hiệu quả tương ứng và trong những năm gần đây chỉ ở quanh mốc 60 tỷ đồng.

Thị giá GIL hiện xoay quanh mốc 26.000đ, tương ứng vốn hóa thị trường 352 tỷ đồng.

Thị giá GIL tăng trưởng mạnh kể từ khi niêm yết

Thị giá GIL tăng trưởng mạnh kể từ khi niêm yết

 

BT6: 18/4/2002

Beton 6 là công ty hoạt động trong lĩnh vực bê tông đúc sẵn từ năm 1958 và gần như chiễm lĩnh thị trường này. Tuy nhiên, áp lực cạnh tranh gần đây ngày càng gia tăng, cùng với việc mở rộng hoạt động sản xuất sang lĩnh vực xây lắp, một lĩnh vực mà Beton 6 không nhiều kinh nghiệm khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn hơn trước.

Tại ĐHCĐ mới diễn ra, Beton 6 đã trình kế hoạch hủy niêm yết. Việc hủy niêm yết của Beton 6 không phải do làm ăn kém, bị buộc phải hủy mà đến từ chiến lược của doanh nghiệp. Chủ tịch Beton 6 cho biết sẽ niêm yết trở lại khi điều kiện thuận lợi.

Beton 6 hiện nằm dưới sự kiểm soát của nhóm công ty liên quan đến Kusto Group.

BT6 chuẩn bị tiến hành hủy niêm yết dù hoạt động kinh doanh vẫn ổn định

BT6 chuẩn bị tiến hành hủy niêm yết dù hoạt động kinh doanh vẫn ổn định

 

GMD: 22/4/2002

Sau khi niêm yết, GMD đã từng có thời “hâm nóng” thị trường trong giai đoạn 2006- 2007. Là doanh nghiệp lớn trong ngành vận tải, logistic, Gemadept đã đạt được tốc độ tăng trưởng ấn tượng từ các mảng khai thác cảng, vận tải biển,…

Tuy nhiên, bước ngoặt đến với Gemadept vào giai đoạn 2010 khi quyết định đầu tư giàn trải sang lĩnh vực bất động sản, cao su. Khi thị trường diễn biến bất lợi, KQKD Gemadept đã sụt giảm mạnh trong giai đoạn 2010- 2011.

Sau giai đoạn này, Gemadept đã quyết định thoái vốn khỏi những lĩnh vực ngoài ngành, tập trung sâu vào lĩnh vực logistic và KQKD của doanh nghiệp đã phục hồi trở lại trong những năm gần đây. Hiện tại, GMD là cổ phiếu đầu ngành logistic đang niêm yết với vốn hóa thị trường hơn 4.000 tỷ đồng.

GMD trở thành cổ phiếu hàng đầu trong lĩnh vực logistic

GMD trở thành cổ phiếu hàng đầu trong lĩnh vực logistic

 

Hoàng Anh

Theo Trí Thức Trẻ


Tin tức khác