Tiền tiết kiệm đang chảy về ngân hàng lớn.
Trong khi các nhà băng nhỏ đang phải "nóng mặt" nhìn khách hàng rút tiền tiết kiệm khi chưa đến kỳ đáo hạn thì nhà băng lớn tỏ ra phấn khởi vì không còn phải chạy đua cạnh tranh giữ khách hàng gửi tiền như trước.
Nguồn vốn huy động tiết kiệm đang được phân hóa rõ rệt, ngân hàng lớn tăng, trong khi nhà băng nhỏ giảm.
Ngân hàng lớn xênh xang
Tại các điểm giao dịch của các nhà băng lớn như Vietcombank (VCB) khu vực quận 3, TP. HCM, trong những ngày gần đây, lượng khách đến gửi tiết kiệm tăng đáng kể; trong đó, phần lớn nguồn tiền nhàn rỗi được chuyển sang từ các nhà băng nhỏ. Một nhân viên huy động ở Phòng giao dịch VCB - Trần Quốc Thảo, quận 3, TP. HCM cho biết, kể từ sau ngày 7/9, thời điểm NHNN ban hành Chỉ thị 02/2011/CT-NHNN yêu cầu các nhà băng phải thực hiện nghiêm quy định trần đối với lãi suất huy động tiết kiệm tiền đồng 14%/năm, việc cạnh tranh thu hút vốn không còn căng như thời gian trước đó.
Trao đổi với ĐTCK, ông Phạm Thanh Hà, Phó tổng giám đốc VCB cũng cho hay, nguồn vốn huy động tiền tiết kiệm của Ngân hàng trong thời gian gần đây tương đối ổn định, có tăng trưởng so với thời điểm của các tháng trước, kể cả khi VCB áp dụng điều chỉnh giảm nhẹ lãi suất huy động VND từ mức tối đa 14%/năm xuống còn 13,9%/năm trong chương trình dự thưởng "Quốc khánh trọn niềm tin".
Nhà băng nhỏ "méo mặt"
Khảo sát của ĐTCK tại một điểm giao dịch của một nhà băng quy mô nhỏ trên phố Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, TP. HCM trong những ngày gần đây cho thấy, lượng khách hàng đến rút tiền nhiều hơn so với người đến gửi tiết kiệm. Trong đó, có không ít sổ tiết kiệm chưa đến kỳ đáo hạn cũng được khách hàng đề nghị Ngân hàng tất toán với lý do lãi suất đã được cào bằng ở một mức trần 14%/năm nên muốn chuyển tiền nhàn rỗi về nhà băng lớn giữ hộ cho an toàn, mặc cho nhân viên huy động vốn ra sức giải thích, chào mời: "Ngân hàng em có chương trình gửi tiết kiệm kỳ hạn ngày lãi suất xấp xỉ 14%/năm nên nếu tái tục sổ tiết kiệm sẽ rất có lợi".
Đây không phải là trường hợp điển hình mà hầu hết các nhà băng nhỏ đang phải đối mặt với thực trạng tiền gửi bị sụt giảm kể từ sau khi NHNN ban hành Chỉ thị 02. Đặc biệt, với việc mạnh tay trong thanh, kiểm tra cũng như xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm trần lãi suất tiết kiệm 14%/năm (điển hình là vụ việc cách chức Giám đốc Chi nhánh DongA Bank ở tỉnh Tây Ninh mới đây) đã buộc các nhà băng phải tuân thủ quy định, không thể áp dụng lãi suất thỏa thuận thì khách hàng không còn mặn mà gửi tiền ở những nhà băng này nữa.
Ông Bùi Ngọc Minh Đức, Trưởng phòng Huy động vốn của WesternBank cho biết, lượng tiền gửi tiết kiệm của WesternBank đã giảm khoảng 2%.
Loay hoay tìm cách hút vốn
Mặc dù các nhà băng nhỏ đã nhiều lần kiến nghị NHNN về việc xem xét áp trần lãi suất cho từng phân khúc ngân hàng khác nhau, thay vì cào bằng một mức 14%/năm bởi điều này sẽ gây khó khăn cho các nhà băng nhỏ trong việc chạy đua hút vốn, song NHNN vẫn kiên định giữ một mức trần.
Trong một nỗ lực hút vốn tiết kiệm, SCB vừa điều chỉnh chính sách tiền gửi không kỳ hạn, theo đo, vào cuối mỗi ngày, Ngân hàng sẽ chốt số dư trên tài khoản thanh toán của khách hàng và tính lãi suất qua đêm lên đến 12%/năm với cá nhân và 8%/năm với khách hàng là tổ chức.
Đáng chú ý hơn, Navibank, WesternBank còn áp dụng lãi suất tiết kiệm theo kỳ hạn ngày với mức trần 14%/năm nhằm gia tăng sức hấp dẫn cho người gửi tiền. Bởi lẽ khả năng sinh lời cho đồng vốn sẽ cao hơn khi lãi được nhập gốc vào cuối mỗi ngày, thay vì đợi đến cuối tuần hoặc tháng… khi sổ tiết kiệm đến hạn. Điều này đã khiến không ít người cho rằng, việc ngân hàng nhỏ đưa ra lãi suất huy động "một ngày", đồng thời, tung ra các chương trình khuyến mãi để giữ chân khách hàng, ngăn vốn chảy sang các nhà băng lớn là "vượt" trần quy định về lãi suất 14%/năm đối với lãi suất tiền gửi VND như NHNN quy định. Nếu gửi theo kỳ hạn 1 ngày, người gửi tiền được hưởng lãi suất thực tế lên đến trên 15%/năm.
Trước quan điểm này, ông Đức cho rằng, Chỉ thị 02 chỉ quy định lãi suất huy động VND của ngân hàng không được vượt quá 14%/năm (không bao gồm các khoản thưởng, khuyến mãi…), chứ không quy định về kỳ hạn tiền gửi tiết kiệm, vì thế, sản phẩm tiết kiệm kỳ hạn ngày không vi phạm Chỉ thị 02. Thực tế, từ trước tới nay, không ít nhà băng (cả lớn và nhỏ) đều áp dụng lãi suất 14%/năm cho kỳ hạn tiền gửi ngắn ngày. Đơn cử như VCB, ACB, Eximbank… đều đưa ra kỳ hạn tiền gửi 1 tuần, lãi suất kịch trần và như the, nếu đến kỳ đáo hạn, khách hàng tái tục sổ tiết kiệm thì lãi vẫn được nhập gốc sau mỗi tuần gửi; đồng thời, NHNN cũng không có ý kiến về vấn đề này.
ĐTCK
- Công ty Cổ phần Transimex nằm trong Top 10 Công ty Vận tải và Logistics uy tín năm 2019 theo công bố của Vietnam Report |24/12/2019|
- Việt Nam Logistics: Tín hiệu tích cực từ Logistics Việt Nam |13/10/2018|
- Mẫu bảng niêm yết giá của Hãng tàu Dongjin. |06/07/2017|
- VNR500 năm 2016: Công bố top 500 DN lớn nhất Việt nam |21/01/2017|
- Thu hút nhà đầu tư logistics tầm cỡ |09/01/2017|
- 10 cổ phiếu niêm yết đầu tiên trên TTCK Việt Nam giờ ra sao? |31/07/2015|
- Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, ngành logistics nước ta đang phát triển rất mạnh mẽ, thu hút ngày càng nhiều DN |07/01/2014|
- Tín dụng chưa kích nhà đất. |07/01/2014|
- Bản tin tổng hợp thị trường sáng 6/07/2012 |06/07/2012|
- Giá gạo có thể giảm do Indonesia dừng nhập khẩu |06/07/2012|