Thông tin chuyên ngành
19/01/2011

Chuyến đi lịch sử của chủ tịch Trung Quốc.

 

Sự kiện ông Hồ Cẩm Đào đang có mặt tại Mỹ được coi là chuyến thăm chính thức quan trọng nhất của một nhà lãnh đạo Trung Quốc tới nước này nhiều năm qua, trong bối cảnh hai cường quốc đang cạnh tranh quyết liệt.

Vị thế của Trung Quốc khi ông Hồ Cẩm Đào tới Mỹ là một cường quốc đang nổi về cả quân sự, kinh tế và ngoại giao. Sự kiện này được chú ý đặc biệt vì Mỹ - Trung Quốc đang căng thẳng trong một loạt vấn đề từ chính sách tiền tệ, tranh chấp thương mại, nhân quyền, tình hình bán đảo Triều Tiên đến vấn đề Đài Loan.

Trọng tâm kinh tế
Ngay trước thềm chuyến thăm, các thượng nghị sĩ Mỹ đã gây sức ép để quốc hội trừng phạt Bắc Kinh vì tội "chơi xấu" bằng đồng nội tệ. Họ cho rằng Trung Quốc cố tình kìm không cho đồng Nhân dân tệ tăng giá, nhằm giúp hàng hoá Trung Quốc trở nên rẻ hơn tại thị trường Mỹ và tăng giá hàng Mỹ tại Trung Quốc.

Đáp lại, ông Hồ cho thực hiện phỏng vấn hiếm hoi với hai tờ báo hàng đầu của Mỹ là Washington Post và Wall Street Journal, trong đó khẳng định đồng Nhân dân tệ không bị đánh giá thấp hơn giá trị thực và công khai thể hiện mong muốn thay đổi hệ thống tiền tệ quốc tế hiện nay với sự thống trị của đồng USD.

Bối cảnh trên cho thấy chuyến thăm Mỹ của lãnh đạo Trung Quốc đã được "hâm nóng" ngay từ khi chưa diễn ra. Nhân sự kiện này, hai nước thảo luận hàng loạt vấn đề với trọng tâm là thương mại và kinh tế. Washington đang tìm cách mời gọi Bắc Kinh mua số máy bay của hãng Boeing, linh kiện xe hơi, sản phẩm nông nghiệp và thịt bò trị giá 10 tỷ USD.

Mỹ và Trung Quốc là hai nền kinh tế số một và số hai của thế giới nên việc thương mại là nội dung hàng đầu trong chương trình nghị sự của chuyến thăm cũng là điều dễ hiểu. Đây cũng là vấn đề gai góc trong quan hệ Mỹ - Trung vì sự mất cân bằng trong cán cân thương mại hai nước. Bộ Thương mại Mỹ cho biết nước này đang bị thâm hụt thương mại 263 tỷ USD với Trung Quốc riêng trong năm 2009.

Việc bị thâm hụt này khiến Mỹ "nóng ruột" vì bằng cách mua nhiều hàng hoá của Trung Quốc, nước này đã để đồng USD chảy ra nước ngoài. Còn người Trung Quốc lại sử dụng số USD thu được để mua các loại trái phiếu của chính phủ Mỹ. Điều này cho phép Mỹ tiếp tục được vay tiền, nhưng người đóng thuế của nước này sẽ trả lãi cho các khoản vay khổng lồ đó trong tương lai.

Do đó, việc hai nền kinh tế số một và số hai của thế giới dàn xếp ra sao những bất đồng trong chuyến thăm Mỹ của chủ tịch Trung Quốc được giới đầu tư và các thị trường trên khắp thế giới theo dõi chặt chẽ. Điều họ mong đợi là những tín hiệu cho thấy hai nhà lãnh đạo Hồ Cẩm Đào và Barack Obama có thể làm giảm căng thẳng sau một năm 2010 đầy biến động.

Sự quan tâm của thế giới phản ánh việc bên cạnh ảnh hưởng của Mỹ về kinh tế đã được thiết lập từ lâu, thì ảnh hưởng trên quy mô toàn cầu của Bắc Kinh cũng đang ngày càng gia tăng. Tờ Financial Times cho biết Trung Quốc trong hai năm 2009 và 2010 đã cho những nước đang phát triển vay số tiền lớn hơn cả Ngân hàng Thế giới, đạt ít nhất 110 tỷ USD so với con số 100,3 tỷ USD của Ngân hàng Thế giới.

Cạnh tranh ảnh hưởng
Có nhiều cách để mô tả về mối quan hệ Mỹ - Trung hiện nay, nhưng hầu hết đều cho rằng thế giới đang chứng kiện một sự dịch chuyển về cán cân quyền lực mang tính lịch sử, cho dù kết quả của sự thay đổi này vẫn rất khó dự đoán. Những va chạm giữa một thế lực truyền thống và thế lực đang nổi như Mỹ và Trung Quốc là điều không thể tránh khỏi, nhưng những gì diễn ra trong năm 2010 vừa qua càng cho thấy sự ganh đua quyết liệt giữa hai cường quốc để tranh giành ảnh hưởng.

Trong khi đó, sự cân bằng quyền lực giữa Washington và Bắc Kinh sẽ có vai trò định hình thế giới trong những thập kỷ tiếp theo. Việc mối quan hệ Mỹ - Trung lâm vào cuộc cạnh tranh đến mức căng thẳng hiện nay có thể được coi là thất bại của chính quyền Barack Obama. Khi vị tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ lên cầm quyền, ông nêu rõ một trong những ưu tiên hàng đầu của ông là cải thiện mối quan hệ với Trung Quốc, nhưng kết quả thì gần như ngược lại.

Nguyên nhân khiến mối quan hệ giữa hai cường quốc gặp khó khăn được nhiều nhà nghiên cứu giải thích là do sự phát triển nhanh chóng của Trung Quốc. BBC dẫn lời giáo sư Joseph Nye thuộc Đại học Havard cho rằng, việc nền kinh tế Trung Quốc phục hồi nhanh chóng sau suy thoái để vượt qua Nhật Bản trở thành nền kinh tế thứ hai thế giới, trong bối cảnh nước Mỹ phục hồi chậm đã khiến "nhiều người Trung Quốc nhầm tưởng Mỹ đang yếu thế".

Cũng theo giáo sư Mỹ, suy nghĩ nói trên cộng với chủ nghĩa dân tộc đang lên tại Trung Quốc làm xuất hiện quan điểm cho rằng đã đến lúc cho sự dịch chuyển trong cán cân quyền lực quốc tế và Trung Quốc đủ mạnh để có thể áp dụng một chính sách ngoại giao cứng rắn hơn với bên ngoài.

Chuyên gia hàng đầu về quan hệ quốc tế của Đại học Havard khẳng định đây là một sai lầm nghiêm trọng, vì Trung Quốc chưa thể sánh với Mỹ về mọi lĩnh vực từ kinh tế đến quân sự. "Do đó mối quan hệ song phương sẽ còn gặp khó khăn, chừng nào Trung Quốc vẫn ảo tưởng rằng Mỹ đang xuống dốc", Giáo sư Joseph Nye nhận định.

Trong bối cảnh đó xuất hiện hai luồng nhận định về kết quả chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tới Mỹ lần này. Nhiều người kỳ vọng có thể sự kiện được đánh giá là "mang tính lịch sử này" sẽ cải thiện được tình hình. Trong khi nhiều nhà quan sát tỏ ra thận trọng khi không trông đợi nhiều từ kết quả chuyến thăm, ngoài những lời lẽ ngoại giao và thoả thuận kinh tế trị giá vài chục tỷ USD.

 


Tin tức khác